"Mát tay" như... ông Ấm
Sau tiệm cà phê mặt tiền trên đường Lạc Long Quân (TP.Hội An) là xưởng mộc của ông Nguyễn Ấm,ữngnghệnhâncuốicùngNgườisaymêghemêamway .com. vn cũng là nơi trưng bày chiếc ghe mê với kích cỡ thật. Thoạt nhìn, tôi nhầm tưởng chiếc ghe là một loại đồ dùng trang trí bởi nó không giống bất cứ loại ghe hiện có ở các khúc sông, bãi biển nào của miền Trung. "Ghe mê có đặc trưng là ở phần mũi vút lên, cao nổi trội. Ở phần đuôi ghe lắp bánh lái lưỡi hái cũng có thiết kế cong vút. Nhìn từ xa, ghe mê rất đẹp, tựa như vầng trăng khuyết vậy. Chiếc ghe này giờ thả xuống sông, căng buồm lên là chạy vô tư…", nghệ nhân đóng ghe mê cuối cùng ở Hội An - Nguyễn Ấm, như hiểu được sự thắc mắc của khách, lý giải.
Ông Ấm cho biết cái tên "ghe mê" xuất phát từ kết cấu đặc biệt ở phần đáy. Trong khi phần be được làm bằng gỗ thì ở phần dưới tiếp xúc với mặt nước được làm từ nan tre, trát phân bò và dầu rái gọi là "mê". Theo ông Ấm, sở dĩ có sự kết hợp giữa 2 loại vật liệu gỗ và tre trên một chiếc ghe là để giảm trọng lượng trong điều kiện đi biển chỉ bằng tay chèo, dựng cột buồm. Với đặc điểm nhỏ gọn, ghe mê ra đời ngoài việc đáp ứng nhu cầu khai thác thủy sản bãi ngang với các nghề như lưới rùng, lưới quay, giã cào, mành đèn…, phương tiện này còn phù hợp với vận chuyển hàng hóa trên đường sông ở xứ Quảng.
"Cũng nhờ đó mà nghề đóng ghe mê truyền đời của gia đình tôi ăn nên làm ra, suốt cả mấy chục năm trường chứ không phải ít", ông Ấm kể và cho biết thêm: "Từ nhỏ, tôi đã theo cha học nghề đóng ghe mê. Cụ thân sinh tôi là Nguyễn Chỉnh nổi tiếng đóng ghe mê bền, đẹp không chỉ quanh quẩn ở Cẩm An mà còn lan đến tận TP.Đà Nẵng, vào tận các làng chài phía nam Quảng Nam ngày nay. Năm 17 tuổi, tôi cùng anh trai Nguyễn Lung và cha đã thành đội thợ lành nghề, mỗi năm nhận không biết bao nhiêu đơn hàng".
Có năng khiếu, lại được người cha chỉ bảo những ngón nghề quý, ông Nguyễn Ấm từ thời thanh niên cho đến khi lập gia đình lúc nào cũng được ngư dân săn đón, chực chờ đến lượt đóng ghe. Ông Ấm còn nhớ như in hình ảnh ông Cả Thính (ở Cẩm An) nhiều lần tìm đến nhà ông chỉ để được ông nhận lời đóng chiếc ghe thứ 2. Ông Ấm bảo, đẳng cấp của một người thợ đóng ghe mê thể hiện bằng việc người ta nằng nặc đòi chính người đó đóng ghe cho kỳ được. Bởi trong nghề đi biển, ngoài việc chiếc ghe mê phải bền, lướt nhanh trên sóng…, người ta còn quan niệm rằng chiếc ghe đó được đóng từ người thợ "mát tay" sẽ dễ "trúng mánh", vạn lý bình an…
Sống lại ký ức
Không phải "chảnh chọe" gì mà vì không làm kịp nên ông Ấm thường khất với khách. "Nhiều người chứ không riêng gì ông Cả Thính phải chờ đợi hàng tháng mới đến lượt được đóng ghe. Đóng một chiếc ghe thường phải mất đến 40 công mới xong. Làm nhanh hơn cũng được nhưng cái tâm của tôi bảo, đã làm thì phải làm cho tới…", ông Ấm tiếp lời. Ghe mê đòi hỏi người thợ phải thực hiện rất nhiều công đoạn trong chế tác. Đầu tiên là uốn be (bằng gỗ kiền kiền), đẽo sỏ (gỗ mù u), đục thanh ngang, vô khuôn dựng sỏ, chồng be nhì, bắt viền, bắt ốp lết, lận be dưới bằng nan, trét phân bò, vô dầu rái, bắt con lươn dãy ghe, làm bánh lái lưỡi hái, chèo, khuôn giường…
Theo lời ông Ấm, bất cứ ai là thợ đóng ghe mê cũng đều nắm thành thạo các công đoạn này. Nhưng để khách hàng tin tưởng chọn đóng thì người thợ phải sáng tạo, khéo léo trong từng công đoạn để làm sao khi chèo hoặc căng buồm lên là ghe cưỡi sóng, lướt nhanh ra khơi. Ghe mê phải nhẹ, gọn để đi nhanh trên biển nhưng khi kéo lên bờ cũng dễ dàng… "Nhiều người khen tay nghề của tôi và chọn đặt hàng đóng ghe mê, vì có chiếc "thọ" đến 40 tuổi. Một điểm mang yếu tố tâm linh mà nhiều người rất thích, đó là năng khiếu chạm mắt ghe. Đôi mắt sáng, có hồn, nhẹ vía khiến nhiều ngư dân tin tưởng những chuyến thắng lợi khi ra khơi. Nhờ người ta quý thế mà tôi mới có điều kiện nuôi 6 đứa con một cách tương đối", ông Ấm chia sẻ.
Nghề đóng ghe mê cực thịnh vào thập niên 50 - 80 của thế kỷ trước. Đến khoảng năm 1990, sau một thời gian đóng ghe các nơi, ông Ấm trở lại quê hương dựng trại và đóng được thêm chừng 50 - 60 chiếc ghe nữa thì nghề này chính thức lụi tàn bởi sự thay thế của những tàu lớn, hiện đại hơn. Chiếc cuối cùng ông Ấm đóng cho khách cách nay đã 30 năm. Từ sau đó, những ngư dân tìm đến ông chỉ để nhờ ông lận lại mê bị mục, hoặc tu bổ lặt vặt. Ông Ấm chuyển hẳn sang nghề mộc gia dụng, dựng nhà… để mưu sinh.
Gần 60 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Nguyễn Ấm khi nào cũng nhớ cảnh những người vợ, người mẹ ngóng chồng con đi biển trở về. Ông Ấm bảo, vui sướng nhất là khi những "đứa con" của mình trở về mang theo đầy ắp cá tôm. Những chiếc ghe mê trở về nằm nghỉ trên bãi cát, hải sản ra chợ cũng góp nên sự sung túc cho mỗi gia đình. Dù không ai đặt hàng nữa nhưng sự say mê với nghề đã thôi thúc ông dựng lại những chiếc ghe mê từ nhỏ đến kích thước thật. "Nghề đóng ghe mê mai một thì đã rõ rồi. Nhưng để nhắc nhớ con cháu, một thuở khốn khó nghề đi biển, tôi đã đóng những chiếc ghe nhỏ để trưng bày. Có thể biến nó thành sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch cũng là cách làm hay…", ông Ấm thổ lộ. (còn tiếp)